Cánh diều ngày mưa

Con đường về nhà mình hiện giờ khá là dài, cách nhà mẹ Béo khoảng chừng 18 km. Mẹ Béo thỉnh thoảng rên rỉ là xa không xa hẳn, gần không gần hẳn khiến mình phì cười. Chồng mình thì rất yêu quí cái làng đó cho nên cho dù trước khi lấy nhau hay sau khi lấy nhau và ngay cả bây giờ, cái ý định chuyển về ở trong nội thành luôn bị lão gạt phăng. Ở trong làng đường đi thì rất ngoắt nghéo, đến giờ thì mình vẫn chịu chết không thể tự tìm đường vào nhà các cô các bác một mình được. Đi một mình thì mình chỉ về nhà ông Hinh thôi, ngay rìa làng, cách cửa hàng mẹ Ngát khoảng chưa tới một km, thế mà mỗi lần về, sẽ được gọi là ‘về quê’. Hehe, cứ nghe anh Thía chị Bách dặn là nhớ siêng năng về quê là mình cũng lại buồn cười …

Hồi bé mình cũng hay về quê, ở quê với ông bà suốt nên cũng biết sơ sơ văn hóa làng xã thế nào. Chứ còn ngoài HN í à, lão chồng mình thường bĩu môi bĩu mỏ, tình làng nghĩa xóm nhạt như nước ốc ao bèo, nhà nào biết nhà í thôi. Mình thì thường dẩu mỏ lên cãi là thì đã sao nào, nhà nào biết nhà đấy là đúng rồi, đỡ mệt mỏi phiền phức. Thế là lão ý vẻ mặt ra điều rất thương hại bẩu em cứ thử sống ở một nơi mà xung quanh mọi người quan tâm tới em, cần cái gì hay có việc gì thì có bao nhiêu người tới giúp đỡ xem có khác không …

Ở trong làng có mấy cái họ lớn, mọi nhà trong làng thường hay gả con cái cho nhau, lão chồng mình cũng có một mối quan hệ gán ghép như thế, hehe, thật không gì thích bằng hai bên gia đình đều biết rõ nhau và ở rất gần nhau. Tất nhiên cũng nhiều trường hợp đi lấy chồng xa, nhưng không được quan tâm vì là con gái mà, còn những đồng chí lấy vợ như mình thì những cô dâu như mình sẽ được gọi là ‘ người trong thiên hạ’, . Và vì thường là không biết rõ người từ nơi khác tới thế nào nên trước hết bao giờ họ cũng bị xét nét trước khi được mọi người chìa tay ra hay đứng bên cạnh nếu có vấn đề gì đó. Tất nhiên, nhỉ ?!

Đã là con người thì thực ra ở đâu cũng thế thôi, phải không? Mỗi khi có ai đó hỏi mình ở Tây nó khác gì ở Ta thì mình chỉ trả lời rằng như nhau cả, ngoại trừ một điểm rất khác biệt là ở Tây người ta rất coi trọng tự do cá nhân, đặc biệt thể hiện rõ ràng trong mối quan hệ giữa người lớn tuổi và ít tuổi hơn, ví dụ trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái – bố mẹ thì luôn lắng nghe và hỏi con mình muốn gì, nghĩ gì và không bao giờ nói rằng Tao nhiều tuổi hơn mày, tao sống từng ý năm, tao thế này thế nọ thế kia … nên tao có quyền quyết định hay bảo mày phải như thế này thế nọ, và mày không được cãi, chỉ việc làm theo thôi. Và ví dụ như ở nhà ông Bengt và bà Sigrid, nếu mình nấu ăn rồi, thì bao giờ ông bà cũng bảo bát để đó họ rửa, và họ sẽ rất ái ngại nếu mình đã nấu nướng rồi lại còn phải rửa cả bát nữa. Hihihi, hầu hết mọi người đều không nói gì, đặc biệt là bố mẹ chồng mình. Mình thì cũng chẳng có ý gì, cũng chẳng có ý muốn là phải thay đổi một cái gì, đòi hỏi các ông bà phải thay đổi là điều không tưởng. Điều duy nhất mình mong muốn là sẽ tốt hơn nếu các bậc cha mẹ để cho con cái họ được sống cuộc sống riêng mà họ mong muốn, thay vì ra sức kiểm soát và cho rằng mọi việc phải theo ý họ mới là đúng. À mà thôi, vấn đề này lại là vấn đề khác, lúc khác hãy nói. Mình thì từ xưa vốn đã khá bướng bỉnh và cứng đầu rồi, giống kiểu một con lừa ý mà, nếu thấy một vũng nước trên đường và mình định nhảy vèo qua mà đột nhiên có ai đó bảo phải tránh cái vũng nước đó nhớ là mình sẽ cáu kỉnh nhảy bổ vào giữa vũng nước đó ngay. Mình rất ghét bị ai đó bảo phải làm gì. Tuy nhiên, thế hệ của mình hầu hết đều đã bị tôi luyện với việc phải chấp nhận nghe lời rồi, mặc dù phần lớn trong ý thức đã có suy nghĩ của riêng mình và sự phản kháng. Nhưng vẫn chấp nhận. Mình không là ngoại lệ, ngoại trừ những việc to tát hết sức quan trọng hay quá đáng, mọi việc mình đều chấp nhận nhưng với đôi chút hậm hực. Tuy nhiên, nhiều lúc mình vẫn muốn hét lên rằng Mình ghét bị bảo phải làm thế này phải làm thế kia lắm, mình không có đầu óc để tự suy nghĩ và tự quyết định hay sao chứ .

À thêm một việc nữa khiến mình rất ghét đó là việc trọng nam khinh nữ nữa chứ. Nếu như mình muốn có con trai thì chả bao giờ vì cần nó nối dõi tông đường hay cái gì vớ vỉn tương tự cả mà chỉ vì mình thích có cả con gái lẫn con trai, mà mình muốn có 3 đứa con, thì sẽ là hai đứa con gái và một thằng con trai. Mình chỉ buồn cười là nhiều người bảo mình khi nào đi học về thì sinh một thằng con trai, không sinh được con trai thì không được với bố mẹ chồng mình và họ hàng đâu, và vừa buồn cười vừa cáu kỉnh khi những ông anh trịnh trọng thì thầm với mình như thế, những lúc đó mình thấy mình tức đỏ mặt và lắp bắp không tìm ra lời để nói cho họ hiểu điều mà mình suy nghĩ, và nhìn họ như thể họ là quái vật, mà thật thế, lúc nào cũng thich sinh con trai, để làm gì chứ, theo họ thì để làm gì nào, để giống cái thể loại quái thai lai quái dị như họ chắc, họ thì có gì để tự hào ngoại trừ một cái danh từ hết sức vô dụng và vô nghĩa là Male cơ chứ .

Nói chung là cái việc này thì bó tay luôn. Mình tất nhiên chả phải là người có sứ mạng có thể thay đổi được. Cái việc trọng nam khinh nữ nó ăn sâu vào máu rồi, ngay cả trong máu của những người phụ nữ VN nên việc thay đổi có lẽ là không thể. Chỉ có điều với thời gian, những cô con gái đang ngày càng năng động và chứng tỏ được sự vượt trội của mình, và sẽ chẳng để ai có thể coi thường được, nhất là lũ đàn ông hãnh tiến vô dụng. Mình thì chỉ có thể làm trong khả năng có thể, ví dụ trong phạm vi gia đình. Nhà chồng mình đông họ hàng và cháu chắt. Linh và Hoàng Anh thì mình đặc biệt yêu quí vì bọn nó gần gũi, rất dễ thương; và rõ ràng mình cũng chẳng bao giờ quí mến bọn nó vì bọn nó là con trai cả, thật ngớ ngẩn nếu nghĩ thế đúng không ? Có vài đứa cháu gái ở quê hay lên chơi, mình quý bọn n
ghê lắm. Nhà mình ít người, với cả nhà mà tự nhiên có một hai cô con gái đi ra đi vào, hay ngồi đó thôi cũng khiến ngôi nhà có thêm một sắc màu gì đó rực rỡ và vui vẻ, mềm mại. Thế nhưng, các cháu gái thì sẽ bị sai rất nhiều việc đương nhiên phải làm ví như dọn dẹp hay nấu ăn, mà cái bọn cháu trai thì có bao giờ bị sai thế nào? Tức mình, mình nói với mẹ chồng là tại sao lại như thế, và không được như thế, đã là cháu thì phải cư xử như nhau, nếu đã chiều cháu trai thì với cháu gái cũng như vậy. Bọn con gái thì bao giờ cũng vậy, rất ý tứ và chăm chỉ, nhiều khi mình cảm thấy cay hết cả sống mũi vì thương bọn nó, hay cả chính mình nữa?!

Mẹ chồng mình bảo đi học đi, về sinh thêm đứa con trai nữa, mình nói thế không phải con trai thì sao, mẹ chồng mình nói thế thì sinh tiếp, mình cười và bảo con có phải lợn nái đâu mà đẻ lắm thế hả mẹ? Bà nói tiếp giọng đùa đùa là Không sinh được con trai thì tôi đuổi đi, mình nói ngay rằng Thế thì con đi ngay, trên đời này con chỉ cần duy nhất có con Trang thôi, hehe, bà bẩu Tiên sư bố mày .

Nói vậy thôi, mình đã có một cô con gái có khuôn miệng giống hệt mẹ rồi nên giờ thì mình thích có con trai mà, để nó hỏi mình rằng:

Mẹ ơi!

Có phải mẹ nhặt con lên từ đất.
Rồi mang con về không ?

Con nghe như có tiếng thì thầm của ngọn gió
thổi qua những cánh đồng
về đây ru con ngủ
Và mẹ hát
Ngủ đi con

Lớn lên con sẽ dũng mãnh như mặt trời
Gương mặt đẹp như mặt trăng
Con đi nhanh như gió
Dẻo dai như mây
Con nằm ngủ trong chiếc nôi trái đất.

Mẹ ơi

Con nghe như có tiếng thì thầm bên tai
Con đã trở thành 1 chàng trai
Con thấy mình nằm rạp trên cỗ xe tuấn mã
Băng băng khắp mọi nẻo đường.

Nhưng,
Khi con khát con lại tìm về uống nước ở dòng sông
ăn những chiếc bánh tay mẹ làm từ hạt lúa gieo trên cánh đồng
Con nằm ngủ trong chiếc nôi trái đất.

Mẹ ơi!

Có phải mẹ nhặt con lên từ đất ?
Trong giấc mơ chập chờn con nghe tiếng thì thầm của đất
Vỗ về con như thủa bé thơ

Bài thơ này hay không ?

Mà thôi, bỏ qua tất cả những chuyện đó đi, đó không phải là những chuyện khiến mình thấy khó chịu hàng ngày đâu. Thực ra, hàng ngày với mình đều rất dễ dàng tìm được niềm vui và các rung động nho nhỏ. Ví như không hiểu sao từ tối qua mình cứ nhớ giai điệu bài hát này, cách đây mấy năm rồi, mình thích ngay lần đầu tiên nghe mà chỉ thích bản phối này thôi. Những ngày hè vừa rồi, có những chiều phóng xe về nhà, dọc con đường đê Yên Phụ, trời xanh trong veo với những ráng hồng phía xa xa, với những con diều bay lượn và tiếng hò reo của bọn trẻ con và những làn gió mát vấn vít … tất cả đều khiến cho mình thả ga đi chậm lại, thấy lòng xao xuyến và nhẹ bẫng một cách dịu dàng, và bản nhạc này lại nhẹ nhàng khe khẽ vang lên trong đầu mình … Cầu Thăng Long xa xa, mờ trong làn sương ẩm, màu xanh trên nền trời mỗi lúc một sẫm lại, gió thổi vi vút qua những tán lá xanh rì, và xa xa, nghênh mặt một tí thôi là sẽ nhìn thấy những làn sóng lăn tăn ánh bạc của con sông Hồng đỏ nặng phù sa … đây đó, xa xa, mờ trong sương chiều là những làn khói, chắc chẳng phải là khói bếp nữa, mà lẫn trong làn khói ấy là mùi cay cay nồng nồng của những chiếc lá. Con cầu ở tầng dưới vắng lắm, đâu đó vài chiếc xe máy phóng véo qua, còn lại là những gánh xe thồ đang được các chị nhẹ nhàng đạp về, vài cô cậu học sinh vừa đạp xe vừa cười đùa, một vài đôi tình nhân dựng xe ngồi bên nhau tâm hự, hehe, … phóng xe nhanh qua, tới đầu kia là thấy ông cháu Trang chip đang đèo nhau chầm chậm ra đón mẹ Thu. Thường thì mẹ Thu sẽ nhìn thấy trước tiên, sẽ cất tiếng gọi Trang chíp và chào ông, sẽ nhìn thấy ánh mắt sáng lên khi nhìn thấy mẹ của Trang chip và nụ cười vui vẻ của ông, sẽ cười rất to khi thấy Trang chíp cuống quít rời xe ông sang xe của mẹ, Trang chíp ngồi trong lòng mẹ và ngẩng đầu nhìn mẹ cho đỡ nhớ, còn mẹ Thu thì nhất định sẽ cúi xuống thơm lên trán và lên mái tóc mềm, thơm và ấm của Trang chíp rồi mẹ Thu còn thì thầm là Mẹ rất yêu và nhớ Trang chíp nữa, Trang chíp có nhớ mẹ không ?

Click here :Canh dieu chieu mua…

Sáng tác: Phạm Quang Trần Minh
Thể hiện: Lan Hương
Album: Đêm nước cuốn

Ngày xưa còn bé, tôi đi
trên con đường đê
Và tôi còn nhớ mưa bay
theo những cánh diều
Ai mang theo gió đến nâng đôi cánh diều
ước mơ ngày mai
Sau bao năm tháng con tim tôi vẫn chờ
giấc mơ đừng phai
Giờ đây lặng lẽ tôi đi lang thang một mình
Lần theo hình bóng tôi mơ
giấc mơ ngày nào
Sau bao năm tháng con tim tôi ngóng trông
cánh diều ngày xưa

Đa đa đi đa

Tìm về ngày xưa tiếng gọi cánh diều
Rồi từng ngày qua với bao ngóng trông

Đa đa đi đa